Kinh tế Nga nhận tin vui
Tình hình kinh tế đã ổn định dù Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm 2% trong quý 1/2015 và các xu hướng tiêu cực vẫn còn tiếp diễn.
Đó là khẳng định của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tại Đuma quốc gia (tức Hạ viện Nga).
Theo TTXVN, trong báo cáo thường niên về hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Medvedev thông báo cho đến nay thị trường tiền tệ Nga đang ổn định trở lại, nền kinh tế cũng đang thích ứng với tỷ giá đồng ruble được thả nổi hồi năm ngoái.
Chính phủ và Ngân hàng trung ương Nga đã nỗ lực để thị trường tiền tệ mang tính dự báo. Đồng Rúp không giảm giá quá sâu cũng như không tăng giá quá mạnh.
Hiện nợ quốc gia của Nga không còn ở mức cao và thâm hụt ngân sách liên bang dù có tăng, song vẫn ở mức an toàn. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở trong giới hạn chấp nhận được.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nga cũng cảnh báo không nên ảo tưởng bởi hiện nay Nga đang phải đối mặt với không chỉ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng trong ngắn hạn, mà cả những áp lực từ bên ngoài, cụ thể giá dầu mỏ có thể vẫn duy trì ở mức thấp trong thời gian dài.
Người đứng đầu Chính phủ Nga cũng dự báo tác động từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moskva liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ khiến Moskva thiệt hại lên đến 75 tỷ euro trong năm nay, tương đương 4,8% GDP.
Theo ông, tình hình hiện nay đòi hỏi Chính phủ Nga phải hành động một cách linh hoạt. Trong các biện pháp ưu tiên năm 2015, Thủ tướng Medvedev nhấn mạnh tổng ngân sách cho các chủ thể liên bang của Nga tăng hơn gấp đôi từ 150 tỷ lên 310 tỷ ruble. Số tiền này dự kiến nhằm cân bằng ngân sách các khu vực và giảm chi phí tín dụng thương mại.
Thủ tướng Medvedev cũng thông báo Nga tiếp tục là một trong những quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới khi thu nhập từ xuất khẩu mặt hàng này năm 2014 vẫn duy trì mức kỷ lục, vượt quá 15 tỷ USD.
Những đánh giá tích cực đối với kinh tế Nga cũng được Tổng thống Vladimir Putin khẳng định trong cuộc trả lời người dân trên truyền hình hôm 16/4.
Khi ấy, ông Putin thừa nhận rằng nền kinh tế Nga gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh giá dầu toàn cầu giảm cũng như hứng chịu các biện pháp trừng phạt, song khẳng định: "Với những gì chúng ta đang chứng kiến, đồng Rúp đang mạnh dần và sự tăng trưởng của các thị trường... Tôi cho rằng điều đó (khả năng nền kinh tế Nga trở lại tăng trưởng trong vòng 2 năm) có thể xảy ra sớm hơn".
Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với Nga sau nhiều nhận định bi quan về nền kinh tế nước này
Còn nhớ, hãng Moody's của Mỹ sau khi hạ xếp hạng tín dụng của Nga xuống mức Ba1, tức rủi ro cao nhất cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp muốn làm ăn kinh doanh tại đây đã bình luận: "Dù đà giảm giá dầu và đồng nội tệ đã chững lại, có phần phục hồi so với đầu năm, hậu quả của lạm phát gồm sụt giảm niềm tin và tăng trưởng sẽ tiếp tục kéo dài".
Còn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng từng bi quan về khả năng tăng trưởng của kinh tế Nga. Theo tổ chức này, kinh tế Nga sẽ suy thoái trong hai năm tới -3% và -1% .
Trước đó, khi trao đổi với Đất Việt, nhiều chuyên gia đã khẳng định về sức mạnh của nước Nga.
PGS.TS Nguyễn Cảnh Toàn, Trung tâm nghiên cứu Nga và SNG (Viện Nghiên cứu châu Âu) nhấn mạnh về sức sống kỳ lạ của nước Nga và cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đã thất bại, nước Nga không chết, tín nhiệm của người dân đối với Tổng thống Putin ngày càng tăng. Với những cải cách trong cơ cấu kinh tế, ông Toàn tin rằng nước Nga sẽ ngày càng mạnh lên.
Còn ông Ngô Duy Ngọ, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Cộng hoà Hungary cũng cho rằng: "Khi áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga, Mỹ và phương Tây hy vọng việc cấm vận một số quan chức, nhà tài phiệt Nga, những người thân cận với Putin khiến họ bị thiệt hại và quay ra chống lại Putin. Ngoài ra, Mỹ và phương Tây muốn làm cho kinh tế Nga, đời sống người dân Nga khó khăn hơn khiến dân chúng phản đối Putin, mục đích cuối cùng là buộc chính quyền của ông Putin phải sụp đổ.
Tuy nhiên, cả hai mục đích đó đều không thành công, uy tín Putin đang cao nhất từ trước tới nay. Những người thân cận với Putin rất trung thành với tổng thống của họ và họ có tinh thần dân tộc.
Gần một năm qua, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đã thất bại dù chúng có khiến cho kinh tế Nga khó khăn, giá cả thay đổi, nhiều mặt hàng khan hiếm. Tuy nhiên, chúng làm cho Putin nhận thức được rằng, không thể phụ thuộc vào Mỹ và phương Tây bởi nếu không, họ sẽ có cái để tạo sức ép đối với Nga"
tin tức khác
- Tổ hợp đa chức năng Hà Nội – Mátxcơva (Incentra) được vinh danh giải thưởng “Cầu nối hữu nghị”
- Tọa đàm về Luật di trú tại Tổ hợp đa chức năng Hà Nội – Mátxcơva
- Khai trương siêu thị Pyaterochka tại Trung tâm thương mại thuộc Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Mátxcơva
- Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Mátxcơva tổ chức chương trình nghệ thuật sôi động chào hè 2024
- Hội thảo Xúc tiến thương mại và kết nối giao thương doanh nghiệp TP. Hà Nội – Liên Bang Nga
- HỘI THẢO XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI VÀ KẾT NỐI GIAO THƯƠNG DOANH NGHIỆP THÀNH PHỐ HÀ NỘI HÀ NỘI - LB NGA NĂM 2019
- LỄ HỘI ẨM THỰC VIỆT NAM LẦN THỨ 9 – SẮC MÀU VĂN HÓA DÂN GIAN MANG TÂM HỒN VIỆT
- Nhân 74 năm Quốc khánh: Sôi động giải bóng bàn người Việt tại Liên bang Nga
- Đối tác Nga quan tâm tìm hiểu hợp tác với doanh nghiệp Cần Thơ trong nhiều lĩnh vực
- Hội nghị đầu tư, xúc tiến thương mại TP Cần Thơ tại LB Nga sắp diễn ra tại Incentra