Tiếng Nga trên ngưỡng cửa Việt Nam gia nhập Liên minh Kinh tế Á Âu
Sau khi Việt Nam ký Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Liên minh Kinh tế Á Âu (Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan mới đây, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền LB Nga tại Việt Nam K.V. Vnukov nhận định, đây là “cơ hội vàng để Việt Nam bước vào thị trường rộng lớn có tới 180 triệu người tiêu dùng. Việt Nam có cơ hội chiếm lĩnh những vị trí mà các nước áp dụng lệnh trừng phạt với Nga tự để mất".
Trước đây, lãnh đạo Nga và Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh rằng tiềm năng hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước đang không được khai thác hết công suất. Tham gia FTA với Liên minh Kinh tế Á Âu, Việt Nam sẽ có cơ hội đưa hợp tác với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, mà trước hết là với nước Nga, lên tầm cao mới. Các nhà doanh nghiệp Việt Nam nồng nhiệt đón nhận cơ hội này và đang xây dựng kế hoạch chinh phục thị trường Nga rộng lớn. Bên cạnh đó, hiệp định mở đường cho doanh nhân Nga mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
Một giờ học tiếng Nga tại Trung tâm Văn hóa và Khoa học Nga tại Hà Nội.
Tuy nhiên, trong quá trình "chinh phục" thị trường của nhau, các nhà doanh nghiệp Việt Nam và Nga, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ vấp phải hòn đá cản đường là rào cản ngôn ngữ. Không phải doanh nghiệp nào cũng có thể giao tiếp và thương thuyết kinh doanh bằng tiếng Anh (đừng nói đến tiếng Việt), đặc biệt là doanh nghiệp ở các tỉnh. Chỉ còn một giải pháp là sử dụng tiếng Nga làm công cụ. Với 65 năm quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nga, ngành Nga ngữ học khá phát triển tại Việt Nam, tiếng Nga đã giúp nhiều người Việt Nam hiểu được tâm hồn và văn hoá phong phú của Nga. Đó chính là nền tảng không chỉ để phát triển hợp tác kinh tế-thương mại, mà còn nhân rộng quan hệ hữu nghị và tin cậy giữa người và người.
Các buổi thảo luận văn hóa Nga ở Hà Nội vẫn rất thu hút nhiều người tham gia.
Trong những thập niên vừa qua, Việt Nam đã đào tạo được hàng vạn chuyên gia tiếng Nga. Trước đây, tiếng Nga được giảng dạy ở hầu hết các trường phổ thông và nhiều trường đại học của Việt Nam. Hàng chục nghìn người đã được đào tạo đại học tại Liên Xô và Nga. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã có những thay đổi căn bản: tiếng Anh được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam. Những người tốt nghiệp đại học tại Liên Xô và Nga muốn tìm được việc làm phải biết tiếng Anh, nên họ đã dần quên ngôn ngữ của Pushkin và Dostoevsky.
Hiện nay, với sự gia tăng hợp tác kinh tế-thương mại, và đặc biệt là du lịch, nhu cầu nhân sự biết tiếng Nga ở Việt Nam đang trở nên ngày một nhiều. Các cơ sở đào tạo chuyên gia tiếng Nga đang cố gắng xoay sở để đáp ứng nhu cầu này. Tuy nhiên dù các nhà sư phạm Nga ngữ đã vô cùng nỗ lực, chất lượng giảng dậy tiếng Nga ở Việt Nam vẫn là điều đáng quan ngại.
Ai cũng biết là sau hai thập niên kể từ khi Liên Xô tan rã, số lượng giảng viên tiếng Nga được đào tạo chính quy và bài bản trước kia đã thu hẹp và "già hoá" rất nhiều. Lương thấp đã không thu hút được những cử nhân trẻ tốt nghiệp Nga ngữ học tại Nga vào công tác giảng dạy. Thêm vào đó là sự thiếu vắng trầm trọng giáo trình tiếng Nga hiện đại được biên soạn theo quan điểm giáo học pháp dành riêng cho Việt Nam theo các chuyên ngành.
Nhưng vấn đề lớn nhất là tình trạng thiếu môi trường tiếng, thiếu sự trợ giúp có phương pháp của các giảng viên người Nga có kiến thức và kinh nghiệm trong việc dạy tiếng Nga cho người nước ngoài. Trước đây, sinh viên Việt Nam học tiếng Nga được sự trợ giúp khá toàn diện từ các chuyên gia tiếng Nga cho người nước ngoài tại Phân viện tiếng Nga Pushkin và Trung tâm Văn hoá và Khoa học Nga tại Hà Nội. Nhưng thời gian gần đây hai cơ sở này đều không còn các chuyên gia này nữa.
Việc Việt Nam gia nhập khu vực thương mại tự do của Liên minh Kinh tế Á Âu sẽ mở ra trang mới trong quan hệ Việt - Nga. Tiếng Nga sẽ trở thành một công cụ hữu hiệu để phát triển hợp tác kinh tế thương mại Việt - Nga nói riêng và quan hệ toàn diện giữa hai nước nói chung. Sự tham gia của các chuyên gia bản ngữ có kiến thức và kinh nghiệm giảng dạy tiếng Nga cho người nước ngoài tại Việt Nam sẽ giúp các nhà Nga ngữ học Việt Nam duy trì được truyền thống giảng dạy tiếng Nga của mình với chất lượng tốt hơn, đáp ứng được nhu cầu của tình hình mới.
Nguồn:laodong.com.vn
tin tức khác
- Tổ hợp đa chức năng Hà Nội – Mátxcơva (Incentra) được vinh danh giải thưởng “Cầu nối hữu nghị”
- Tọa đàm về Luật di trú tại Tổ hợp đa chức năng Hà Nội – Mátxcơva
- Khai trương siêu thị Pyaterochka tại Trung tâm thương mại thuộc Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Mátxcơva
- Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Mátxcơva tổ chức chương trình nghệ thuật sôi động chào hè 2024
- Hội thảo Xúc tiến thương mại và kết nối giao thương doanh nghiệp TP. Hà Nội – Liên Bang Nga
- HỘI THẢO XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI VÀ KẾT NỐI GIAO THƯƠNG DOANH NGHIỆP THÀNH PHỐ HÀ NỘI HÀ NỘI - LB NGA NĂM 2019
- LỄ HỘI ẨM THỰC VIỆT NAM LẦN THỨ 9 – SẮC MÀU VĂN HÓA DÂN GIAN MANG TÂM HỒN VIỆT
- Nhân 74 năm Quốc khánh: Sôi động giải bóng bàn người Việt tại Liên bang Nga
- Đối tác Nga quan tâm tìm hiểu hợp tác với doanh nghiệp Cần Thơ trong nhiều lĩnh vực
- Hội nghị đầu tư, xúc tiến thương mại TP Cần Thơ tại LB Nga sắp diễn ra tại Incentra