Xúc tiến thương mại: Cánh cửa ra thị trường thế giới
Khi các biện pháp hỗ trợ trực tiếp đang ngày càng bị hạn chế thì xúc tiến thương mại là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
Hoạt động xúc tiến thương mại Việt Nam trong những năm qua đã có những bước phát triển mới. Nhân dịp sắp kết thúc năm 2011, Báo Doanh nhân Việt Nam toàn cầu đề nghị được phỏng vấn ông Đỗ Thắng Hải - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, xin ông cho biết một vài hoạt động điển hình đem lại hiệu quả và những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, cho việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài trong năm 2011?
Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, xu hướng tự do hóa thương mại ngày càng sâu rộng như hiện nay, các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu trực tiếp ngày càng bị hạn chế thì xúc tiến thương mại là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài.
Trong năm 2011, Bộ Công Thương và Cục xúc tiến thương mại đã tổ chức nhiều hoạt động với quy mô lớn và đạt kết quả tốt, như Hội chợ Trung Quốc – ASEAN (192 gian hàng, tổng giá trị hợp đồng các doanh nghiệp Việt Nam ký kết tại Hội chợ là 300 triệu USD), Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt - Trung năm 2011 (hơn 700 gian hàng, 19 hợp đồng với tổng trị giá 201 triệu USD), Hội chợ Quốc tế hàng trang trí gia đình và quà tặng Việt Nam (có 130 hợp đồng với tổng giá trị trên 14 triệu USD), Hội chợ Thực phẩm Hàn Quốc từ 26-29/4 tại Seoul, Hàn quốc (ký được hơn 6,5 triệu USD),...
Ngoài ra, nhiều hoạt động khác như Hội chợ Thủy sản Châu Âu ESE tại Brussels, Bỉ, Tham gia Hội chợ quốc tế Giầy WSA - Las Vegas 2011 tại Mỹ, tổ chức đoàn giao thương cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép tại Mỹ, khảo sát và xúc tiến thương mại cà phê tại thị trường Ba lan - Bỉ,... cũng được tổ chức và thành công tốt đẹp.
Tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài là cách nhanh nhất để tuyên truyền, quảng bá thương hiệu của sản phẩm hàng hóa Việt Nam đến các đối tượng mục tiêu, giúp các doanh nghiệp tiếp tục duy trì, củng cố các mối quan hệ với các khách hàng truyền thống, vừa tạo cơ hội tìm kiếm thêm các khách hàng mới tiềm năng. Đồng thời, đây cũng là cơ hội giúp các doanh nghiệp nhận định, đánh giá một cách chính xác xu hướng thị trường, nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng để có căn cứ xây dựng định hướng chiến lược đúng đắn phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển các nguồn lực, công nghệ và cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì,…
Những thuận lợi, khó khăn trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm ở cả thị trường trong và ngoài nước hiện nay?
Trong những năm gần đây, hiệu quả công tác xúc tiến thương mại đã được nâng lên rõ rệt nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, Ngành cũng như do năng lực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại của các tổ chức, hiệp hội, địa phương.
Tuy nhiên, so với nhiều nước thì công tác xúc tiến thương mại của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn.
Thứ nhất, nguồn kinh phí của nhà nước dành cho xúc tiến thương mại chưa ổn định và có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Thứ hai, các tổ chức xúc tiến thương mại hiện nay vẫn còn một số hạn chế về năng lực triển khai, do đó ảnh hưởng đến khối lượng, chất lượng và tiến độ thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại. Thứ ba, một số doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại năng lực sản xuất, kinh doanh còn yếu, kỹ năng xúc tiến thương mại, ngoại ngữ cần phải được bổ sung tăng cường.
Kinh phí để tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại là vấn đề quyết định hình thức, chất lượng các chương trình xúc tiến thương mại. Nhưng trên thực tế, kinh phí dành cho hoạt động này còn rất hạn chế. Cách khắc phục và xã hội hóa vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Hiện nay, nguồn ngân sách dành cho các hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Cụ thể, theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới World Bank, trung bình, các quốc gia trên thế giới bố trí ngân sách cho hoạt động xúc tiến thương mại là 0,11% kim ngạch xuất khẩu: trong đó khu vực Mỹ La tinh và các nước Caribbean là 0,17%, các nước Đông Âu và Châu Á là 0,12%, các nước Bắc Mỹ và thành viên Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) là từ 0,09-0,1%.
Trong khi đó, ngân sách dành cho Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia của Việt Nam năm 2011 là 55 tỷ đồng, chỉ bằng 0,0036% kim ngạch xuất khẩu, tương đương 1/30 tỷ lệ trung bình của toàn thế giới và bằng 13,6% nhu cầu hỗ trợ do doanh nghiệp đề xuất. Điều này cho thấy đầu tư cho xúc tiến thương mại của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và thiếu tính cạnh tranh so với các quốc gia khác.
Ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các hoạt động xúc tiến thương mại cũng có xu hướng giảm dần qua các năm trong khi nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng lớn. Đồng thời nhiệm vụ Nhà nước giao lại nặng nề hơn, không chỉ bao gồm xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu mà còn bao gồm xúc tiến thương mại thị trường trong nước và xúc tiến thương mại biên giới hải đảo. Trong hoàn cảnh đó, sự đóng góp của doanh nghiệp có vai trò quan trọng nhằm đảm bảo thực hiện thành công các hoạt động xúc tiến thương mại.
Tuy nhiên, trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu và nhiều khó khăn, thách thức nảy sinh từ nội tại nền kinh tế, Chính phủ, các Bộ/ngành, địa phương cần tăng cường đầu tư, bố trí nguồn lực, kinh phí cho các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ tích cực củng cố thị phần của các ngành hàng xuất khẩu chủ chốt, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, củng cố và phát triển thị trường trong nước, góp phần ngăn chặn đà suy giảm kinh tế.
Xin ông cho biết một vài doanh nghiệp, Hiệp hội đã triển khai tốt hoạt động xúc tiến thương mại trong thời gian vừa qua.
Các doanh nghiệp, Hiệp hội đi đầu trong hoạt động xúc tiến thương mại có thể kể đến Hiệp hội dệt may Việt Nam tổ chức tham gia hội chợ dệt may Magic Show, Mỹ; Hiệp hội da giày tổ chức tham gia hội chợ quốc tế Giầy Dusseldorf tại Đức, hội chợ quốc tế giầy WSA; Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ thực phẩm và đồ uống Anuga tại Đức; Hội chợ Sial tại Pháp; Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia Hội chợ Thủy sản Brussel tại Bỉ, hội chợ thủy sản Boston tại Mỹ,...
Mới đây, Hội thảo “Trung tâm Văn hóa, Thương mại (đa chức năng) và Khách sạn Hà Nội -Mátxcơva, giải pháp hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Mátxcơva và cơ hội xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào Liên bang Nga” đã được tổ chức. Hội thảo này đã đặt ra những vấn đề gì?
Hội thảo Trung tâm Văn hóa Thương mại và Khách sạn Hà Nội – Mátxcơva – Giải pháp hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Mátcơva và cơ hội xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào Liên bang Nga do Cục xúc tiến thương mại phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, Ủy ban về người Việt Nam tại nước ngoài (Bộ Ngoại giao), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Công ty cổ phần Đầu tư Trung tâm thương mại Hà Nội-Mátcơva tổ chức.
Hội thảo đã thông tin tới các đại biểu tham dự về thị trường Liên bang Nga và quan hệ thương mại Việt Nam - Liên bang Nga trong giai đoạn vừa qua, tiềm năng xuất khẩu của một thị trường có GDP khoảng 1.500 tỷ USD, trên 140 triệu người tiêu dùng trong đó tầng lớp trung lưu đang ngày càng phát triển đồng thời nêu ra những khó khăn, thách thức đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vào Nga trong thời gian tới. Các diễn giả tại Hội thảo cũng đưa ra một số khuyến nghị đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu vào Nga.
Tại buổi hội thảo, Ban tổ chức cũng đã cung cấp thông tin, giới thiệu về Trung tâm Văn hóa Thương mại và Khách sạn Hà Nội – Mátxcơva.
Hoạt động của Trung tâm Văn hóa, Thương mại đa chức năng của người Việt ở Matxcova có hiệu quả như thế nào và đem lại những kinh nghiệm gì để có thể tiếp tục mở rộng mô hình này sang các nước khác?
Với vốn đầu tư lớn (224,2 triệu USD) trên diện tích 4,9 ha, trang thiết bị hiện đại, mô hình kinh doanh tiên tiến, vị trí thuận lợi, Trung tâm sẽ giúp bổ sung hạ tầng phân phối dành riêng cho các doanh nghiệp, thương nhân Việt Nam kinh doanh hợp pháp lâu dài tại Mátxcơva. Đây sẽ là địa điểm thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam có quan hệ làm ăn, buôn bán, xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nga mở văn phòng đại diện, chi nhánh hoặc làm trụ sở công ty tại thị trường Nga.
Cục Xúc tiến thương mại thấy rằng mô hình này cần được khuyến khích, ủng hộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác tốt hơn nữa tiềm năng xuất khẩu hàng hóa vào Liên bang Nga cũng như các quốc gia khác.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
tin tức khác
- Tổ hợp đa chức năng Hà Nội – Mátxcơva (Incentra) được vinh danh giải thưởng “Cầu nối hữu nghị”
- Tọa đàm về Luật di trú tại Tổ hợp đa chức năng Hà Nội – Mátxcơva
- Khai trương siêu thị Pyaterochka tại Trung tâm thương mại thuộc Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Mátxcơva
- Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Mátxcơva tổ chức chương trình nghệ thuật sôi động chào hè 2024
- Hội thảo Xúc tiến thương mại và kết nối giao thương doanh nghiệp TP. Hà Nội – Liên Bang Nga
- HỘI THẢO XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI VÀ KẾT NỐI GIAO THƯƠNG DOANH NGHIỆP THÀNH PHỐ HÀ NỘI HÀ NỘI - LB NGA NĂM 2019
- LỄ HỘI ẨM THỰC VIỆT NAM LẦN THỨ 9 – SẮC MÀU VĂN HÓA DÂN GIAN MANG TÂM HỒN VIỆT
- Nhân 74 năm Quốc khánh: Sôi động giải bóng bàn người Việt tại Liên bang Nga
- Đối tác Nga quan tâm tìm hiểu hợp tác với doanh nghiệp Cần Thơ trong nhiều lĩnh vực
- Hội nghị đầu tư, xúc tiến thương mại TP Cần Thơ tại LB Nga sắp diễn ra tại Incentra